Dự thảo Chương trình GDPT tổng thể: Sự chuyển động trước hết từ đội ngũ nhà giáo - Trường THPT Hoàng Mai

Dự thảo Chương trình GDPT tổng thể: Sự chuyển động trước hết từ đội ngũ nhà giáo

Đó là băn khoăn của không ít ý kiến được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng thời gian qua, khi bàn về Dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể. Tuy nhiên, theo hầu hết các nhà quản lý giáo dục, những vấn đề đó lại không đáng lo ngại. Điều quan trọng là sự chuyển động ra sao ở cán bộ quản lý giáo dục và tất nhiên, ở mỗi cán bộ giáo viên.

Xây dựng sách giáo khoa phù hợp với đối tượng

Ông Trần Lăng – Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Phú Yên – đặt vấn đề: Theo dự thảo, ở bậc tiểu học, các môn học bắt buộc gồm: Tiếng Việt, Toán, Ngoại ngữ 1, Giáo dục lối sống, Cuộc sống quanh ta, Thế giới công nghệ, Hoạt động trải nghiệm sáng tạo… với khoảng 31 – 32 tiết/tuần, liệu có đáp ứng với phương châm: HS tiểu học phải được chơi nhiều, phải được giáo dục nhiều về đạo đức, lối sống và quan trọng là cần giảm tải chương trình so với chương trình hiện hành. Tương tự, ở THPT, số tiết của lớp 10 không những không được giảm mà còn tăng.

Cũng có cùng nhận xét như vậy, nhưng ông Hoàng Văn Huân – Hiệu trưởng trường THPT Quảng Xương (Thanh Hóa) cho rằng. “Nặng hay không, giảm tải hay không không phải ở chương trình mà là xây dựng sách giáo khoa có phù hợp với đối tượng hay không”. Ông Huân cũng đề xuất: “Sách giáo khoa lần này cần phải có sự chắt lọc cho phù hợp, đừng hiện đại quá, tất nhiên hiện đại được là tốt nhưng phải đáp ứng tiêu chí nhẹ nhàng, đơn giản, đừng ôm đồm”.

Về vấn đề này, ông Lê Vinh – Hiệu trưởng trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn (Đà Nẵng) nêu quan điểm: “Dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể mới chỉ mang tính chất tổng quát với khung chương trình, còn phải được cụ thể hóa bằng các chương trình môn học, rồi mới đến sách giáo khoa. Chương trình có nặng hay không là do số lượng kiến thức trong mỗi đơn vị. Và đây cũng là vấn đề mà bộ phận viết chương trình – sách giáo khoa cần phải lưu tâm”.

Ở một khía cạnh khác, ông Lê Quang Sơn – Phó Hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng đề xuất, ở bậc tiểu học, nên chăng cần giảm đi một số môn học, không nên đưa vào ở lớp Một, lớp Hai, bởi theo ông: “Đây là lớp chuyển tiếp từ bậc mầm non lên, nếu số lượng môn học quá nhiều, các em sẽ phải làm quen với rất nhiều thầy cô giáo, cứ đổi giáo viên liên tục thì HS sẽ rất khó học.

Dù học 2 buổi/ngày nhưng với khoảng 32 tiết/tuần, cộng thêm 2 tiết chào cờ và sinh hoạt lớp thì số tiết/tuần sẽ rất nhiều. Nếu có thể được thì nên để môn Thế giới công nghệ lên đến lớp 3 mới bắt đầu học”.

Cũng đồng tình với quan điểm này, ông Trần Đức Lợi – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Lâm Đồng phân tích thêm: “Môn Thế giới công nghệ nên đổi lại là Làm quen với công nghệ vì ở bậc tiểu học, các em cũng chỉ mới làm quen thôi và nên áp dụng ở các lớp trên, ví dụ như có thể bắt đầu từ lớp 2, vì mục tiêu quan trọng nhất của lớp Một là HS phải đọc thông viết thạo”.


Cần thay đổi quan niệm về sử dụng nguồn lực

Ngoài mối quan tâm chung về bồi dưỡng, đào tạo đội ngũ giáo viên thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, băn khoăn lớn nhất của nhiều cán bộ quản lý giáo dục là lực lượng giáo viên đảm nhận dạy các môn học mới ở THPT, liệu có rơi vào tình trạng như cũ tức là “tự chọn có điều kiện”, trường có gì thì HS tự chọn theo cái đó hay không?

Ông Trần Đức Lợi chia sẻ: “Lâu nay, với các môn học ở nhóm nghệ thuật, chúng ta mới chỉ triển khai ở bậc tiểu học và THCS, nay có thêm ở bậc THPT. Tôi chưa biết là chương trình có xây dựng một hệ thống có logic từ tiểu học lên đến THPT hay mỗi bậc học có một nội dung chương trình khác nhau. Liệu đào tạo giáo viên nghệ thuật hiện nay có phù hợp với tuyển dụng giáo viên ở trường phổ thông hay không?”.

Ở một khía cạnh khác, ông Trần Lăng đề xuất: Hiện số giáo viên dạy Âm nhạc – Mỹ thuật ở THCS về cơ bản là đủ đáp ứng, liệu có nên tính đến phương án điều chuyển một số lượng giáo viên nghệ thuật ở bậc học này cho THPT hoặc tính đến việc sử dụng giáo viên dạy liên trường nếu khoảng cách giữa các trường không quá xa? Cũng có đề xuất là với môn nghệ thuật ở THPT, ở những nơi chưa có điều kiện để triển khai giảng dạy, HS có thể đăng ký học tại các trung tâm ngoài trường học rồi cuối kỳ nộp lại bảng điểm cho nhà trường, như cách mà các trường ĐH đang triển khai đối với các chứng chỉ ngoại ngữ.

Về vấn đề học 2 buổi/ngày, ông Trần Lăng cho rằng, Bộ GD&ĐT cần có chế tài để các địa phương thực hiện cam kết đảm bảo đủ cơ sở vật chất cũng như đội ngũ giáo viên để triển khai 100% HS học 2 buổi/ngày. “Phải có lộ trình cụ thể để các trường tiểu học đang dạy – học 1 buổi/ngày chuyển sang dạy – học 2 buổi/ngày chứ không nên để cho các trường tự bơi”. Ở một khía cạnh khác, ông Trần Đức Lợi đề xuất, cần có sự quy định về số tiết học cho những trường triển khai dạy – học 2 buổi/ngày và 1 buổi/ngày ở bậc tiểu học.

Đánh giá cao về tính khả thi của dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, ông Trần Đức Lợi chia sẻ: “Chỉ cần có lộ trình rõ ràng thì những khó khăn trong việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học sẽ được giải quyết, vì chúng ta triển khai chương trình – sách giáo khoa mới trong điều kiện kế thừa chứ không phải “xóa đi, làm lại từ đầu”. Như khi bắt tay vào thực hiện phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi, có nhiều khó khăn chứ, nhưng cùng với những cơ chế, chính sách đồng bộ, chúng ta đã thực hiện được”.

Theo Giáo dục và Thời đại